Trung Quốc thí nghiệm nhân giống đột biến không gian

Ngày 5-5, Tân Hoa xã đưa tin, tàu vũ trụ Thần Châu-17 trở lại Trái đất cùng một loạt mẫu thử nghiệm khoa học mới từ trạm vũ trụ Thiên Cung, bao gồm hạt giống phục vụ các thí nghiệm nhân giống.

 

Hạt giống thức ăn gia súc, bao gồm cỏ linh lăng và yến mạch, do Viện Khoa học chăn nuôi và dược phẩm Lan Châu thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Trung Quốc cung cấp, đã trải qua 11 tháng tiếp xúc với bức xạ không gian trên trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc.

1(5).jpg
Trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc. Ảnh: Space Center

Sau quá trình kiểm tra cơ bản tại Trung tâm Công nghệ và Kỹ thuật ứng dụng không gian thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc, hạt giống đã được gửi đến nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học chăn nuôi và dược phẩm Lan Châu để nghiên cứu thực nghiệm.

Yang Hongshan, nhà khoa học trưởng của nhóm cho biết, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu các thí nghiệm nảy mầm và sẽ tiếp tục tiến hành các thí nghiệm nhân giống trên mặt đất để thu được những mẫu đột biến tốt nhất.

Kết quả nghiên cứu dự kiến sẽ tăng cường đáng kể năng lực cạnh tranh của Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ nông nghiệp, qua đó hỗ trợ mạnh mẽ sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp quốc gia này.

Năm 1987, Trung Quốc lần đầu đưa hạt giống cây trồng, gồm gạo và hạt tiêu, vào không gian. Động thái này đã đánh dấu sự khởi đầu đối với tham vọng nhân giống không gian của quốc gia tỷ dân. Trong hơn 30 năm qua, Trung Quốc cũng đã tiến hành hàng chục thí nghiệm không gian tương tự và tạo ra gần 1.000 giống mới.

Nhân giống trong không gian đề cập đến việc cho hạt giống tiếp xúc với bức xạ vũ trụ và vi trọng lực trong không gian nhằm mục đích gây biến đổi gen để tạo ra các giống mới có năng suất cao hơn và khả năng kháng bệnh tốt hơn.

 

Thương Nguyệt/Theo HNM